Thursday, February 23, 2012

Thổi ra lửa

Nghệ sỹ xiếc thổi lửa thường làm kinh ngạc khán giả với khả năng thổi bùng ra một ngọn lửa lớn một cách dễ dàng như người ta hít thở vậy.

Đây là môn nghệ thuật đòi hỏi phải có sự dày công tập luyện.
Tuy nhiên, trò thổi lửa là trò nguy hiểm nhất trong các môn nghệ thuật biểu diễn với lửa. Nghệ sỹ phải luyện tập thật nhuần nhuyễn để không làm bản thân và khán giả bị thương. Và vì quá trình biểu diễn cần có lửa, các nhiên liệu độc hại, dễ cháy, nên nếu để xảy ra tai nạn thì có thể gây bỏng hoặc thậm chí hỏa hoạn chết người.
Để biểu diễn trò này cần có 2 thành phần cơ bản là nhiên liệu và nguồn lửa. Hình dung đơn giản là người biểu diễn sẽ điều chỉnh góc độ của miệng ngậm đầy nhiên liệu và phun thật mạnh vào ngọn lửa.
Nghe thì có vẻ quá đơn giản, nhưng để kiểm soát được hướng đi của nhiên liệu cũng như sự dứt khoát khi phun nhiên liệu là một kỹ thuật đòi hỏi phải dày công tập luyện. Thông thường nghệ sỹ phải tập rất lâu với nước trước khi ngậm nhiên liệu thật. Chìa khóa để thành công là phải tập trung kiểm soát được hướng đi của các tia nhiên liệu cũng như sự dứt khoát chắc chắn khi phun. Nếu không phun không đúng kỹ thuật, nhiên liệu sẽ rơi xuống đất, hoặc bắn lên người, lên mặt và bốc cháy.
Vị trí của miệng, đuốc và hướng đi của nhiên liệu được mô tả như hình trên.
Vị trí của miệng, đuốc và hướng đi của nhiên liệu được mô tả như hình trên.
Một yếu tố quan trọng khác là góc độ của tia nhiên liệu khi được phun ra và góc của ngọn lửa nguồn. Góc độ hợp lý được các chuyên gia đề nghị là từ 60-80 độ. Nếu góc thấp hơn có thể làm bắn nhiên liệu lên người, nếu cao hơn thì nhiên liệu sẽ bắn vào mặt, và hậu quả trong trường hợp nào cũng thật khó lường. Do đó, góc độ hợp lý là vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, trước khi biểu diễn còn phải xem xét hướng và tốc độ của gió bằng cách nhìn vào ngọn đuốc. Phản ứng của ngọn lửa sẽ cho ta biết chính xác chuyển động của không khí xung quanh.
Kiểm tra không gian xung quanh còn bao gồm cả việc xem có đường dây điện hay cành cây thấp nào không, chỗ đứng của nghệ sỹ và của khán giả như thế nào để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cả 2 bên.
Đuốc và nhiên liệu
Việc chọn nhiên liệu cũng quan trọng không kém kỹ thuật trình diễn. Những yếu tố cần lưu ý khi chọn nhiên liệu bao gồm:
Nhiệt độ bốc cháy của nhiên liệu (nhiên liệu sẽ bốc cháy ở nhiệt độ cao hay thấp)Độc tínhHương và vị
Màu sắc và độ sáng của ngọn lửa
Lượng khói sản sinh khi đốt
Mô tả ảnh.
"An toàn” là kim chỉ nam của những người trình diễn.
Nhiên liệu thông dụng nhất là dầu hỏa. Đây là nhiên liệu có nhiệt độ bốc cháy cao, do đó sẽ an toàn hơn, nhưng lại sinh ra nhiều khói và có mùi hôi; nó cũng không an toàn cho hệ tiêu hóa vì có chứa những chất phụ gia độc hại.
Vài nghệ sỹ dùng dầu mỏ (xăng trắng), tuy nhiên nhiên liệu này có nhiệt độ cháy thấp khiến cho nó dễ bốc hơi và dễ gây bỏng. Nó cũng độc hại nên được xem là nhiên liệu kém an toàn.
Rượu và xăng không bao giờ được dùng để biểu diễn, nhất là rượu, vì chúng có thể làm say người biểu diễn – điều tối kỵ khi biểu diễn với lửa, hơn nữa chúng rất dễ cháy nên rất nguy hiểm.
Ngọn lửa nguồn dùng để châm mồi thường là một ngọn đuốc, những thứ nhỏ hơn như que diêm sẽ rất nguy hiểm vì chúng quá ngắn nên sẽ làm bỏng tay. Hộp quẹt ga cũng nguy hiểm tương tự và hơn nữa chúng còn gây nổ.
Nguy cơ bỏng là rất rõ ràng khi biểu diễn trò này. Mặc dù người trình diễn có thể can thiệp vào hướng của ngọn lửa, nhưng họ không hoàn toàn kiểm soát được nó. Chỉ cần gió đổi hướng hay một vài yếu tố khách quan khác cũng khiến cho ngọn lửa mất kiểm soát và gây bỏng hoặc hỏa hoạn. Một rủi ro nữa là khi ngọn lửa đi ngược theo tia nhiên liệu vào miệng.
Những nghệ sỹ trình diễn thường xuyên còn mắc phải một số nguy cơ về sức khỏe như da bị kích ứng, khô miệng, bệnh răng miệng, loét dạ dày, nhiễm độc, viêm phổi…
Vì tất cả các rủi ro trên, nên "an toàn” là kim chỉ nam của những người trình diễn. Trước khi biết biểu diễn phun lửa, họ phải học cách sử dụng bình chữa lửa, cách dùng khăn ướt để dập lửa…
Sau khi trình diễn phải làm sạch hết nhiên liệu còn trên mặt hay trên tay. Một mẹo nhỏ là họ thường uống sữa hoặc uống thuốc làm giảm độ axit trong dạ dày trước mỗi lần diễn. Sau khi diễn hãy ăn một ít bánh mì hay bất cứ cái gì có thể thấm bớt lượng nhiên liệu còn sót lại.
  • Đỗ Quyên (Theo HSW)

Đi chân trần trên thủy tinh vỡ


Đây là 1 trong những khả năng kỳ lạ của con người?

Làm thế nào để đi chân trần trên mảnh thủy tinh vỡ mà không bị thương?
Bạn đã từng quan sát một ảo thuật gia hay một nghệ sĩ biểu diễn trò đi chân trần qua những mảnh thủy tinh bén nhọn và thật sự có ấn tượng.
Nếu nhìn gần và kỹ hơn, bạn còn có thể thấy chân của họ thật sự đạp lên những mảnh thủy tinh có mép nhọn lởm chởm. Thậm chí bạn còn nghe cả tiếng thủy tinh vỡ lạo xạo dưới chân người ấy. Đây là một trò thật sự nguy hiểm, và những nghệ sĩ tuyên bố rằng để làm được trò này cần có sự tập trung cao độ hay thậm chí là nhờ sự can thiệp thần bí nào đó.
Thật ra có nhiều mánh khóe để tự bạn cũng có thể biểu diễn trò này mà không bị thương. Bạn có thể dùng một loại thủy tinh “giả” được làm từ đường có thể dễ dàng bị đập vỡ để thay thế cho thủy tinh thật. Khi bạn thấy một diễn viên đập một cái chai vào đầu người khác thì cái chai đó thường được làm bằng loại thủy tinh “giả” này. Cạnh của các mảnh vỡ vẫn có thể bén nhưng bản thân thủy tinh làm bằng đường không đủ cứng để xuyên thủng lòng bàn chân. Tuy nhiên, vài loại thủy tinh “giả” có thể trở nên dính lép nhép trong lúc đang biểu diễn và phá hỏng màn ảo thuật của bạn.
Một cách khác để bảo vệ chân mà không cần dùng thủy tinh giả là dán một miếng chất dẻo vào lòng bàn chân. Một lựa chọn khác nữa là dùng các sản phẩm làm chai cứng da để làm da bàn chân bạn chắc chắn và ít nhạy cảm hơn.
Mô tả ảnh.
Tuy nhiên, những nhà ảo thuật nhiều kinh nghiệm thì không cần tới những mánh khóe trên. Mặc dù họ vẫn có khả năng bị thương, nhưng với một ít kiến thức vật lý và kinh nghiệm thực tập sau đây thì họ hoàn toàn có thể bước đi trên kính vỡ mà không hề hấn gì:
Dùng mảnh vở của vỏ chai rượu vang hoặc champagne. Không giống các mảnh vỡ ở phần cổ chai hay ly thủy tinh, gờ của những mảnh vỡ từ chai rượu thường có độ uốn cong nhẹ và không có các cạnh bén lởm chởm.
Lớp thủy tinh phải tương đối dày. Khi bước chân xuống, các mảnh vỡ sẽ ép nhau dịch chuyển và những cạnh bén sẽ không có cơ hội tiếp xúc với chân. Một số nhà biểu diễn còn độn một lớp vật liệu mềm phía dưới lớp thủy tinh để các mảnh vở dễ dịch chuyển hơn.
Những người biểu diễn trò này thường bước những bước rất chậm để nếu cảm thấy có mảnh nhọn bén dưới chân thì có thể nhích chân điều chỉnh. Họ bước chậm còn để cho các mảnh thủy tinh có đủ thời gian dịch chuyển và “lắng xuống”, do đó họ sẽ có ít nguy cơ bị đâm thủng chân hơn.
Bạn đã từng vô tình giẫm phải mảnh thủy tinh vỡ trên sàn và bị thương. Nhưng mặt sàn nhà bếp và mặt sàn trong trò biểu diễn trên khác nhau hoàn toàn.
Trong trò biểu diễn, trọng lượng cơ thể bạn được chia đều cho rất nhiều mảnh thủy tinh nhỏ, và các mảnh này còn có không gian để dịch chuyển. Còn lúc bạn giẫm phải một mảnh thủy tinh trên nền nhà, toàn bộ trọng lượng cơ thể chỉ tập trung trên một điểm nhỏ, hơn nữa, mảnh thủy tinh này cắt đứt chân bạn là do có ma sát do chân bạn di chuyển trượt trên cạnh sắc của nó. Ngược lại, trong trò biểu diễn, nhất thiết bạn phải đặt chân theo chiều thẳng từ trên xuống chứ không được trượt qua bề mặt các mảnh vỡ.
Mặc dù có nhiều mánh khóe hỗ trợ nhưng trò này vẫn rất nguy hiểm, vì thế đừng cố biểu diễn ở nhà khi chưa thật sự hiểu rõ nó.
  • Đỗ Quyên (Theo HSW)

Đi chân trần qua than hồng

Mô tả ảnh.




Mô tả ảnh.
Có phải ai cũng có thể làm được điều này?

Bước đi trên than hồng là một điều có vẻ phi thường và chúng ta thắc mắc tại sao một số người có khả năng làm được điều này mà không bị bỏng. Có phải ai cũng có thể làm được điều này? Hay là có một mánh lới nào đó?
Nếu đã từng xem một màn trình diễn "nóng bỏng” này trên tivi, bạn sẽ thấy khoảng than hồng lớn, đỏ rực, dài có đến vài mét. Bạn cũng nên biết đống than rực lửa kia hoàn toàn là thật, và người trình diễn thật sự bước đi qua nó bằng đôi chân trần cứ như thể là họ có một phép thuật nào đó.
Bằng cách nào họ có thể làm được điều này? Và liệu bạn cũng có thể làm được chăng?
Sự thật đầu tiên là chẳng có mánh khóe nào trong trò này cả. Chẳng phải là người ta đã nhúng chân vào nước trước khi đi qua đống than hay là do chân tiết mồ hôi nhiều đột ngột làm mát chân của người biểu diễn. Chân trần của họ thật sự tiếp xúc với than nóng đỏ.
Bí mật của trò này là sự kết hợp một số tính chất vật lý của loại than được đem ra biểu diễn.
Hãy tưởng tượng nếu bạn nung đỏ một thanh sắt và bước qua nó. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Bước đi qua kim loại nóng đỏ là một việc làm điên khùng vì nó sẽ làm bạn bỏng nặng chỉ trong tích tắc. Cứ mường tượng một miếng thịt trên 1 cái vỉ nướng nóng đỏ thì bạn sẽ hiểu.
Có một vài điều bạn cần để ý trong những màn biểu diễn đi trên than:
Người biểu diễn không đi qua lửa mà là bước trên than. Than củi được đốt cho đến khi không còn lửa ngọn bốc lên nữa.

Trò này luôn diễn ra vào ban đêm. Nếu diễn ra vào ban ngày thì đống than đỏ nhìn sẽ giống như 1 đống tro hơn. Luôn luôn có một lớp tro bao phủ quanh những cục than, nhưng vào ban đêm thì bạn vẫn thấy ánh than đỏ qua lớp tro.
Người biểu diễn sẽ không đi nhẩn nhơ chậm rãi trên đống than. Những người biểu diễn chuyên nghiệp sẽ không chạy thật nhanh, như thế sẽ thật “mất uy tín”; nhưng họ sẽ bước đi nhanh nhẹn, dứt khoát; và bạn không bao giờ thấy họ đứng yên trên đống than.
Vậy chuyện gì đang thực sự diễn ra bên trong trò này?
Bí ẩn nằm ở sự kết hợp của tính dẫn nhiệt kém, tác dụng cách nhiệt của lớp tro, và thời gian biểu diễn ngắn.
Thứ nhất, khi đốt than củi cho cháy hết lửa ngọn, chỉ còn lại than hồng, thì những cục than này gần như chỉ chứa carbon. Nếu bạn cầm một cục than này lên bạn sẽ thấy nó rất nhẹ. Carbon là một nguyên tố rất nhẹ (vì vậy mà các đồ dùng là từ sợi carbon cũng rất nhẹ như khung xe đạp hay vợt tennis), và quan trọng hơn là chúng dẫn nhiệt kém. Phải mất một lúc lâu để nhiệt độ truyền từ cục than sang da của bạn.
Thứ hai, lớp tro bao quanh than là một chất cách nhiệt rất tốt (người ta thường dùng tro để cách nhiệt cho các thùng nước đá); và than được bọc trong tro cách nhiệt sẽ truyền nhiệt chậm thêm một bước nữa.
Thứ ba, trò này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Mặc dù quá trình truyền nhiệt từ than qua lớp tro khá chậm nhưng nó vẫn diễn ra, vì vậy nếu bạn đứng yên trên đống than này vài giây thì sẽ không tránh khỏi bị bỏng. Nếu bước đi thật nhanh thì nhiệt độ sẽ không kịp truyền đến da và do đó bạn sẽ không bị bỏng.
Đó là toàn bộ bí ẩn trong trò này.
  • Đỗ Quyên(Theo HSW)

Wednesday, February 15, 2012

Dấu hiệu từ giấc mơ


Dau hieu tu giac mo 

Ai cũng có lúc mơ ngủ nhưng đôi khi nhớ được, lúc lại quên không nhớ nổi. Nhưng trong số đó, có giấc mơ nào liên quan đến tình trạng sức khỏe của chúng ta?
Giấc mơ là một trong những điều bí ẩn mà con người ta luôn muốn giải mã. Nhiều nhà khoa học cho rằng, giấc mơ có thể nói trước điều gì đó bởi chúng xuất phát từ bên trong cơ thể mỗi người, chúng đều cho ta cái nhìn thấu bên trong từ tình trạng vô thức. Khi bạn nhìn thấy biểu tượng hay hành động cụ thể nào đó trong giấc mơ, có lẽ đó là dấu hiệu bất ổn trong trí não hay trong cơ thể. Dưới đây là 5 giấc mơ được cho là có liên quan đến sức khỏe phổ biến nhất. Tin hay không tin tùy bạn nhưng đây là những tham khảo giúp con người ta hiểu mình hơn và biết điều chỉnh cuộc sống một cách tích cực hơn.
Nhà cửa: Dù đó là ngôi nhà thực sự của bạn hay ngôi nhà trong mơ thì đó chính là lúc tâm trí bạn trong lúc mơ soi lại mình. Nếu bị cháy nhà, dấu hiệu cho thấy một sự căng thẳng cao độ. Đúng là theo nghĩa đen, có gì đó đang bốc hỏa cần phải thoát ra ngoài.
Xe mất phanh. Chiếc xe tượng trưng cho khả năng tiến bộ, phát triển trong mỗi giai đoạn của cuộc đời. Giấc mơ phổ biến của nhiều người là đi xe mất phanh, điều này có thể là dấu hiệu bạn uống quá nhiều và cần phải phanh gấp trước thói quen này.
Đuối nước. Điều này cho thấy bạn đang ngập đầu ngập cổ bởi trách nhiệm và những cảm giác tương tự. Nước thường là biểu hiện của cảm xúc, khi nước trở thành mối đe dọa trong giấc mơ của bạn thì chính là lúc cảm xúc choán lấy hết sức lực của bạn.
Chảy máu. Khi mơ thấy mình hay người khác chảy máu, điều đó ám chỉ một điều rằng bạn đã đặt mình quá nhiều vào việc gì đó, có thể là công việc chẳng hạn, và vì thế năng lượng dự trữ đã bị tiêu hao hết, cần phải bổ sung.
Ngã: Dù mơ thấy mình ngã cầu thang hay rơi từ tòa nhà xuống, dấu hiệu cho thấy điều gì đó trong cuộc sống của bạn đang đi chệch hướng. Có thể đó là vấn đề tài chính, về mối quan hệ tình cảm hay một khía cạnh nào khác. Phần lớn thì mức độ chưa đến mức tuyệt vọng nhưng giấc mơ báo trước bờ vực thẳm để có hành động ngăn chặn.
Việt Báo (Theo ANTĐ)