Thursday, May 30, 2013

Ranh giới đúng sai

Trong cuộc sống ta hay gặp những điều mà rất khó mà phân biệt được sự đúng sai, chính tà, vì như người ta hay nói cái gì cũng có hai mặt của nó. Sự thực là do nó giống và khác một vài yếu tố cơ bản. Để nhìn nhận đúng thì đa phần phải có một cái nhìn toàn diện, lý trí sắc sảo, một đầu óc tỉnh táo, minh mẫn.

Việc đánh giá đúng sự việc, hay nói cụ thể là đánh giá con người là rất khó, kể cả những người được xem là có trình độ học vấn cũng thường bị sai. Khi đáng giá thường thì yếu tố chủ quan thống lĩnh.

Ví như ta thử phân biệt đức tính sau: đó là sự Cẩn thận.

Cẩn thận gần như đồng nghĩa với từ thận trọng, ta xem mặt trái của nó là gì. Trước hết ta phải hiểu cẩn thận là gì cái đã. Cẩn thận thể hiện sự thận trọng khi làm một cái gì, có sự suy tính, cân nhắc kĩ càng. Ta xem cẩn thận là một đức tính tốt, vì người ta quy ước là như vậy, vì đây là khái niệm mang tính tích cực. Tuy nhiên, có một tính cách rất giống với cẩn thận nhưng lại mang nghĩa tiêu cực đó là lề mề, trì trệ. Nói thì dễ nhưng phân biệt được thì rất khó. Trì trệ nó cũng là rất từ từ trước khi hành động, có vẻ như nó thể hiện tính cẩn thận, tuy nhiên trì trệ ta hiểu đó tính cách tiêu cực. Vậy sự khác biệt giữa hai tính cách trên là cái gì ? Đây chính là lúc đòi hỏi sự thông minh, óc nhạy bén của mỗi người.

Người cẩn thận luôn có trách nhiệm với công việc, khi họ làm xong việc thì thường công việc tối ưu nhiều mặt hay ta gọi họ là người biết nhìn trước nhìn sau, nhìn xa trông rộng. Người lề mề, trì trệ thì thường là bỏ bê công việc, họ không thể hoàn thành được công việc và có lẽ mãi mãi là không. Như vậy, sự chậm rãi trong công việc chưa đủ để phân biệt tính cẩn thận.

Ví dụ về tính Quyết đoán.

Ta quy ước đây là tính tốt, vậy ta hiểu thế nào. Quyết đoán thể hiện tính dứt khoát, hành động cho dù có những trở ngại nhất định, thường là khó vượt qua. Tính quyết đoán thể hiện ưu việt khi bơ vơ giữa ngã ba không biết đi về hướng nào. Tính cách này rất quan trọng trong những trường hợp gây nhiều tranh cãi, đau đầu, không tìm được lối thoát cho vấn đề. Quyết đoán có tính phiêu lưu, vì chưa đảm bảo chắc chắn con đường đi sẽ tới đích, tuy nhiên trong tình huống này mà không quyết đoán thì sẽ xảy ra điều tồi tệ hơn.

Nó giống việc không đi thì cũng chết, mà đi thì sẽ có cơ hội sống hơn. Tính quyết đoán cần phải có sự thận trọng nếu không sẽ bị rơi vào tính cách độc tài, gia trưởng. Như vậy, mặt trái của nó sẽ dễ gặp những sai lầm, vì vội vàng hành động mà thiếu sự cân nhắc.

Ví dụ về khái niệm: Tự do.

Tự do ta quy ước nó mang tính tích cực, thể hiện sự không lệ thuộc, thể hiện tinh thần làm chủ trong cuộc sống. Tuy nhiên, tự do dễ nhầm với bất trị, cứng đầu và buông thả, tùy tiện.

Như vậy, chính hay tà nó nằm ở khả năng phân biệt, nhận thức đúng bản chất của vấn đề.

Về góc độ nào đó tự do buộc phải có sự "cứng đầu" nhất định vì nếu không sẽ bị kẻ khác bắt nạt, lấn lướt, tuy nhiên không biết nghe ai, thích làm gì thì làm lại là chuyện khác, đây là cái khó khi phân biệt, vì nghe ai, làm gì, đó là điều không đơn giản.

Tùy tiện cũng làm hành động theo ý thích, nhưng không có mục đích đẹp đẽ, không ra một thể thống gì cả, còn gọi là bừa bãi, hay còn gọi là phá phách.

Tự do chỉ mang tính tích cực khi có sự định hướng đúng đắn, tức là ta hành động theo lẽ phải, tức là theo những gì mang lại hạnh phúc thực sự, đó là giá trị bền vững.

Tính siêng năng.

Đây là khái niệm mang ý nghĩa tích cực. Là chăm chỉ lao động, tạo ra nhiều của cải vật chất, tinh thần, làm việc không biết mệt mỏi. Siêng năng là đức tính mà chủ lao động nào cũng rất thích, nói cách khác thì đó là đức tính quan trọng nhất mà chủ lao động mong muốn.

Tuy nhiên, siêng năng dễ giống với lầm lủi, cam chịu, cù lần, tôi tớ, nô lệ. Những người có tính cách này họ cũng làm việc nhiều, nói gì nghe nấy, bảo gì làm nấy. Một xã hội chân chính, văn minh không thể chấp nhận tính cách này vì ở xã hội văn minh phải được xây dựng từ những tính cách tốt đẹp, mang tính nhân văn chứ không phải dựa trên sự bóc lột, dốt nát.

Như vậy, sự phân biệt sai trái, chính tà của tính cách này được thể hiện ở đâu? Đó là thái độ làm việc, làm cái gì, làm vì cái gì và làm thế nào.

Siêng năng chỉ mang tính tích cực khi có sự định hướng đúng, có mục đích tốt, làm việc trong niềm hân hoan, vui sướng, thích được cống hiến cho công việc, họ quá hiểu những lợi ích mà công việc mang lại cho họ và cho xã hội. Nếu không thì ta gọi là cam chịu, khổ sai.

Như vậy, để mỗi tính cách mang tính tích cực đó là điều không dễ chút nào, vì như trên ta thấy, niềm đam mê trong công việc đó là điều rất khó, đa phần người ta làm việc vì không có sự lựa chọn nào khác hơn là niềm đam mê.

Tính lập trường, bản lĩnh.

Tính cách này thể hiện sự vững vàng trước các sóng gió cuộc đời. Đó là cuộc đời nhiều cám dỗ, nhiều cạm bẫy, nhiều sự trái chiều xô đẩy dễ làm con người mất phương hướng.

Tuy nhiên tính cách này dễ nhầm với sự bảo thủ, duy ý chí. Sự khác nhau giữa chúng là mong manh. Người bảo thủ, duy ý chí họ cũng không dao động cho dù có ai khuyên răn thì họ cũng không thay đổi. Vậy làm sao để phân biệt được chính tà?

Người có bản lĩnh_lập trường( ta đã quy ước là theo hướng tốt) thì phải là người thông minh, tức là sự định hướng của họ theo những nguyên tắc thông minh và chân chính vì thế họ hiểu sâu sắc thế nào là đúng và sai. Tư tưởng cho hành động của họ được họ xây dựng trên những gì tốt đẹp mà họ đã thấm nhuần. Họ có khả năng thích ứng cao mà không làm sai lạc mục tiêu tốt đẹp. Người bảo thủ, duy ý chí thì khác cho dù họ biết chắc là sai thì họ vẫn cứ làm, họ không có khả năng làm chủ, họ làm theo bản năng, họ không thích ứng với hoàn cảnh, vì thế họ dễ bị thất bại.

Ví dụ đó là cái Mới mẻ.

Mới mẻ đó là cái chưa hay ít được thấy, cái bắt mắt vì lạ, tuy nhiên lợi ích của nó thì chưa biết được. Giữa hình thức và nội dung không có sự đồng điệu hoàn toàn, hay cụ thể thì hình thức chỉ phản ánh một phần nhỏ của nội dung. Giống như truyện ngụ ngôn: “ thầy bói mù xem voi”. Ông ôm chân nói con voi giống cái cột nhà, ông sờ tai nói con voi giống cái quạt...

Sự mới lạ nó thể hiện ở cái gì, đó là sự sắp đặt khác, hay là sự cách tân hiện đại, thật khó mà nói được. Như vậy, chỉ mới mẻ không thôi thì ta chưa thể biết giá trị của nó mang lại.

Thường thì người ta xem cái mới mang ý tích cực, tức là có sự cách tân toàn diện: hiện đại hơn, nhiều lợi ích hơn. Tuy nhiên, đừng nhầm với cái lạ nó mang ý nghĩa kỳ quái hơn là lợi ích.

Còn vô vàn điều nữa tương tự mà các bạn tự tìm hiểu thêm.

Mọi thứ khác đều có mặt trái và phải dễ nhầm lẫn mà các bạn tự nghiên cứu tìm hiểu thêm, nó rất có lợi cho việc định hướng hành động, đánh giá người khác.

Mặt trái, ta quy ước là mặt xấu thường mang ý nghĩa thiển cận, thiếu sót khi nhìn nhận, lợt lạt khi xem xét.

Làm sao để một người từ đầu óc thiển cận trở thành một người có đầu óc sắc sảo trong việc nhìn nhận đó là việc không đơn giản. Vì thế những người này phải có sự kèm cặp định hướng sát sao của những người có đầu óc sắc sảo.

Đây thuộc về lĩnh vực giáo dục nhân cách, nhân sinh quan của nhà trường, gia đình, xã hội. Vì thế đó là một quá trình lâu dài mãi mãi gắn bó với đời sống con người. Vì cái xấu thì dễ có, còn cái đẹp hữu ích thì khó mà có.

No comments:

Post a Comment